>>> Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Giải quyết đúng hạn 99,7% hồ sơ
Nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và chỉ đạo công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia. Việc này đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC, từng bước đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách TTHC được coi là nhiệm vụ trọng tâm, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách hành chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã quyết tâm chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nhất là các hồ sơ về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài nguyên môi trường, từ đó cải thiện tối đa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Thống kê của Sở Nội vụ Thái Nguyên cho thấy, chỉ trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã bãi bỏ 633 TTHC không cần thiết, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%. Trong năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 72 Quyết định công bố danh mục TTHC với 1240 danh mục, được cập nhật kịp thời, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Công thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đơn vị và tại Bộ phận “một cửa” của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC.
Để không còn chữ “chờ”
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, không gian thoáng rộng gần 1.000m2 được bố trí thành các khu vực có chức năng riêng biệt nhưng vẫn tạo sự kết nối một cách đồng bộ thuận tiện cho người dân đến giao dịch. Máy lấy số xếp hàng được bố trí ngay cửa ra vào để công dân lựa chọn lĩnh vực cần giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống máy tính sẽ tự động thông báo cho công dân khi đến lượt vào làm thủ tục hành chính. Trong khu vực chờ, Trung tâm cũng bố trí các màn hình tra cứu để giúp công dân tìm hiểu về các thủ tục hành chính hiện hành.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên cho biết, hệ thống phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm đã được kết nối với tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương với các phân hệ chức năng khoa học, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động, tính mở cao, tích hợp chữ ký số, có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo quy định, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, quản lý việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Hương, sau 3 năm đi vào hoạt động, phương thức làm việc truyền thống đã dần được chuyển sang phương thức làm việc hoàn toàn trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tạo nên sự tín nhiệm cao của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
>> Tỉnh Thái Nguyên: Dốc toàn lực đẩy nhanh đầu tư công
>> Thái Nguyên, Cuba và Hoa Kỳ: Thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại
Đánh giá những nỗ lực của chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong việc cải cách, đơn giản hóa TTHC, ông Kim Jong Hak, Tổng Giám đốc công ty CP Aluminum Hàn Việt (Khu công nghiệp Điềm Thụy) cho rằng, hiện nay, TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, môi trường đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể nhờ những nỗ lực cải cách của bộ máy chính quyền trong tỉnh; thời gian chờ cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng đã được giảm đáng kể, giúp tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Kim Jong Hak mong muốn các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục cập nhật kịp thời, công khai quy trình giải quyết TTHC, thông báo thường xuyên kết quả giải quyết tới doanh nghiệp để doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện các hoạt động khác liên quan. Đồng thời, TTHC tại các sở, ngành, địa phương cần có sự thống nhất, tập trung đầu mối giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã nhưng có tính đến yếu tố đặc thù, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khả thi trong phục vụ doanh nghiệp.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian tới, để giảm thiểu tối đa thời gian chờ giải quyết TTHC, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ các TTHC gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tiếp tục số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sở giải quyết TTHC, đảm bảo người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC. Tất cả với mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Thái Nguyên đạt 78,316 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành; Chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 2/63; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 25/63 tỉnh/thành, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. |