Tỉnh Thái Nguyên quyết tâm để tăng thứ hạng PCI

  • KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG
  • 19/02/2024
Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức rà soát, đánh giá chi tiết các nội dung liên quan đến 10 chỉ số thành phần và giao nhiệm vụ cho các ngành.

>>>Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Minh bạch để thăng hạng PCI

Theo thường kỳ đến tháng 4 hàng năm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ công bố chỉ số PCI cấp tỉnh. Chỉ còn 2 tháng nữa là công bố chỉ số PCI năm 2023, tất cả các tỉnh thành đã và đang thi đua cải cách hành chính, thi đua thu hút đầu tư, thi đua phát triển doanh nghiệp, quan tâm cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các cuộc đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc khó khăn kịp thời. Tại tỉnh Thái Nguyên được địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm thăng hạng PCI.

Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 và những năm tiếp theo vừa được công bố, tỉnh Thái Nguyên sẽ quan tâm cải thiện 5 chỉ số thành phần còn thấp điểm và chú trọng nâng cao chất lượng các chỉ số có tính quyết định đến thứ hạng PCI của tỉnh. Trong đó tập trung cao độ cho một số chỉ số quan trọng, nhất là chỉ số tính minh bạch.

Thái Nguyên tổ chức đánh giá DDCI hàng năm nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thái Nguyên tổ chức đánh giá DDCI hàng năm nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, năm 2022, Chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành của cả nước với số điểm tổng hợp đạt 66,10 điểm, tăng 3 bậc so với năm trước. Dù nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, nhưng mục tiêu mà tỉnh đặt ra cao hơn, phải nâng thứ hạng lên nhóm 20 vào năm sau. Muốn vậy, tất cả các chỉ số thành phần đều phải nâng điểm, không để tụt so với năm trước.

Trong đó chú trọng đến các chỉ số có trọng số cao, chiếm tỷ lệ phần trăm lớn để tập trung cải thiện. Chỉ số tính minh bạch có trọng số 20% nên được xem là một trong những chỉ số quan trọng nhất, quyết định đến việc tăng, giảm thứ hạng của Chỉ số PCI. Chỉ số này được đánh giá qua 2 khía cạnh là tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách.

Để cải thiện chỉ số này, tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, an toàn, dễ sử dụng và đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử của các cơ quan.

Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều có trang thông tin điện tử. Hệ thống hội nghị trực tuyến đều bảo đảm liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và ngược lại. Đã xây dựng và cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện (932 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp minh bạch hóa triệt để quá trình xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

100% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 4 giúp các đơn vị thuận tiện hơn trong giải quyết công việc tại hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh

100% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 4 giúp các đơn vị thuận tiện hơn trong giải quyết công việc tại hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên

Các ngành, các cấp trong tỉnh đã cung cấp thông tin và công khai, minh bạch thông tin về Quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; công khai việc cho thuê đất, đấu giá đất, thuê hạ tầng các dự án; thông tin đầy đủ về dự án, các tài liệu chi tiết về thu, chi ngân sách, mời thầu, đấu thầu; công khai xin ý kiến các dự thảo văn bản của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Các tổ chức đã ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, triển khai ứng dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử liên thông các cấp, ngành trong tỉnh; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với doanh nghiệp.

Để tăng tính minh bạch, tỉnh đề nghị các hiệp hội, hội doanh nghiệp cung cấp thông tin, tuyên truyền và duy trì việc tổ chức khảo sát, đánh giá phản hồi của doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách, sự năng động, sáng tạo và thái độ của cán bộ công chức, viên chức.

Riêng cơ quan Thuế đã công khai chi tiết về quy trình, thủ tục hành chính thuế, bộ thuế, mức thu của các đối tượng nộp thuế trên địa bàn tại Bộ phận Một cửa. Cơ quan Thuế cũng thường xuyên giám sát nhằm hạn chế tối đa sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính, quy hoạch dự án đầu tư trên Cổng dịch vụ công và các phương tiện thông tin, truyền thông. Tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. 

Quy hoạch tạo động lực thu hút đầu tư

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển, là một trong những động lực cho tăng trưởng. Quy hoạch luôn phải đi trước một bước, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững. Nhận thức rõ điều này, Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong của cả nước triển khai và được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Tổ chức không gian trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổ chức không gian trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật, Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch. Ngày 14/3/2023, Thái Nguyên trở thành tỉnh thứ 5 trong cả nước, thứ 2 ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Lần đầu tiên thực hiện Quy hoạch tỉnh, đòi hỏi tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực riêng rẽ nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, sự tham vấn, thẩm định của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh giáp ranh. Với chiến lược phát triển toàn diện và có trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên là nền tảng để kiến tạo cơ hội, đưa kinh tế tỉnh tăng tốc, nhất là trong thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các bước để quản lý quy hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện gắn với các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện (Định Hóa, Đại Từ và Phú Bình); 6 huyện, thành phố được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; lập, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên.

Tỉnh cũng phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp mới trong quy hoạch là Yên Bình 2, Yên Bình 3, Thượng Đình và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, cùng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện sớm và tầm nhìn quy hoạch dài hạn, tổng thể đã giúp tỉnh Thái Nguyên định vị rõ những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để kiến tạo động lực phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; góp phần xây dựng địa phương bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.

Song song đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo động lực thu hút đầu tư, qua đó sẽ thi đua cải cách hành chính, thi đua về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp qua các cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn để kịp thời giải quyết vướng mắc dự án, đẩy nhanh công tác GPMB, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận đất đai, minh bạch trong quy hoạch, tích kiệm chi phí thời gian. Qua đó nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao chỉ số PCI cho tỉnh Thái Nguyên ông Dương nhấn mạnh.

 

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn