>> Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Tỉnh Thái Nguyên với tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, tiếp thêm nguồn lực cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; cống hiến cho tỉnh ngày càng nhiều hơn.
Với phương châm luôn “Đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân”, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành, tuy tăng 3 bậc so với năm 2021 nhưng chưa đạt mục tiêu Top 20 mà tỉnh đề ra. Muốn vậy, tất cả các chỉ số thành phần đều phải tăng điểm so với năm trước, đó là quyết tâm từng giờ, từng ngày của tỉnh để nâng cao sự hài lòng với cộng đồng doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số PCI, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với phương châm “sức khỏe của doanh nghiệp là “sức khỏe” của nền kinh tế”, bên cạnh việc tích cực tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, Thái Nguyên tổ chức đối thoại - lắng nghe giữa lãnh đạo địa phương và đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây là một việc làm thường xuyên, liên tục từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và lãnh đạo cấp huyện.
Ngoài đối thoại với chủ doanh nghiệp, đại diện nhà đầu tư, Thái Nguyên cũng thường xuyên đối thoại trực tiếp với người lao động. Đây là một hình thức phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Để tiếp tục tổ chức tốt hoạt động đối thoại doanh nghiệp trong trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ chia sẻ, hoạt động lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp đã tạo không khí thân tình, gần gũi giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thoải mái, tin tưởng phản ánh, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại các cuộc gặp gỡ, nhiều nội dung mà doanh nghiệp hỏi đã được chính quyền các cấp trả lời với tinh thần trách nhiệm cao. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền sở, ban ngành nào thì đơn vị đó trả lời ngay tại cuộc gặp gỡ hoặc được trả lời bằng văn bản.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh luôn đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, góp phần vào sự phát triển chung của Thái Nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đã và đang nỗ lực từng ngày vì sự phát triển bền vững của chính mình và của tỉnh thì vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp phải “thượng tôn pháp luật”, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên cam kết trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự đồng hành của chính quyền, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được giải quyết kịp thời, linh hoạt, sáng tạo… vì sự phát triển bền vững chung với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tin rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội Thái Nguyên sẽ có sự phát triển vượt bậc trong năm 2024 và trong thời gian tới.