Trên đà phát triển, tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.
Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư
Xác định thu hút đầu tư tạo động lực để phát triển nhanh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên (Ban Quản lý) với chức năng nhiệm vụ được giao đã luôn tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn.
Với hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm của Ban Quản lý, thời gian qua Thái Nguyên đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước quan tâm.
Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai các dự án đầu tư thu hút FDI chất lượng cao. (Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên)
Năm 2023, Ban Quản lý đã tiếp xúc và làm việc với khoảng trên 100 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp. Cấp mới 48 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 320% so với kế hoạch năm 2023, bằng 300% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2024, công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Ban Quản lý đã làm việc với 12 nhà đầu tư đến tìm hiểu thuê đất tại khu công nghiệp; thẩm định và xin ý kiến tham gia của các sở, ngành trong việc thực hiện cấp mới, điều chỉnh Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 10 dự án.
Đến ngày 11/3/2024, Ban đã cấp mới 6 GCNĐKĐT, trong đó có 55 dự án FDI và 1 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 463,157 triệu USD và 3.985,47 tỷ đồng.
Lũy kế trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tổng số 307 dự án được cấp GCNĐKĐT còn hiệu lực, trong đó có 172 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 11.307,837 triệu USD và 135 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 21.233,198 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, lũy kế tổng số dự án được cấp GCNĐKĐT còn hiệu lực tăng 33 dự án, trong đó tăng 31 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng 690,061 triệu USD và tăng 2 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng 5.142,285 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết, với dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp, Thái Nguyên có lợi thế so sánh để các nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai phục vụ triển khai các dự án đầu tư.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, Khu công nghiệp Thượng Đình, Khu công nghiệp Yên Bình 2; Khu công nghiệp Yên Bình 3 và Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
"Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh đẩy nhanh triển khai các khu công nghiệp, tạo ra một quỹ đất sạch, môi trường để các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư có giá trị đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sức cạnh tranh lớn trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư hạ tầng trong các khu công nghiệp đồng bộ; phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường", ông Phúc nhấn mạnh.
Với việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và bình đẳng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh đã rút ngắn thời gian cấp, thời gian điều chỉnh GCNĐKĐT và thời gian cấp phép xây dựng đã góp phần tạo những thuận lợi quan trọng cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến với các khu công nghiệp của Thái Nguyên.
Môi trường đầu tư không ngừng cải thiện
Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh phát triển đồng bộ và toàn diện kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trao đổi cơ hội hợp tác đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với ông John Neufer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ vào tháng 11/2023. (Ảnh: Đình Lộc)
Theo ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, để tiếp tục tạo điều kiện, phát huy hiệu quả tiềm năng phát triển và gia tăng giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư tại khu công nghiệp, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Với phương châm phục vụ doanh nghiệp và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tỉnh Thái Nguyên đưa ra 6 cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư: Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp;
Hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là việc cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho các doanh nghiệp;
Cam kết cung cấp đủ điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp. Đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ Việt Nam.
"Tỉnh Thái Nguyên cam kết trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự đồng hành của chính quyền, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được giải quyết kịp thời, linh hoạt, sáng tạo… vì sự phát triển bền vững chung với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", ông Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.