>>> Để chính sách khoa học công nghệ thực sự đi vào cuộc sống
Hướng tới kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thái Nguyên về vai trò của KH&CN trong phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua, những định hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
- Thưa ông, những thành tựu về KH&CN thời gian qua đã trở thành động lực then chốt trong tiến trình đổi mới và phát triển của tỉnh Thái Nguyên như thế nào?
Những năm qua, Khoa học và Công nghệ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của cuộc (CMCN 4.0) và tầm ảnh hưởng sâu rộng của KH&CN đến đời sống con người. Đối với tỉnhThái Nguyên, hoạt động KH&CN luôn được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên và Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động KH&CN của tỉnh tiếp tục phát triển đúng định hướng và đi vào chiều sâu. Cùng với đó, là sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu cho KH&CN.
Với nguồn lực KH&CN hiện có, Thái Nguyên có nhiều tiềm lực để phát triển nhanh và mạnh hơn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sự hội tụ của các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Thái Nguyên, cũng như sự mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở KH&CN đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng kịp thời các cơ chế chính sách, cụ thể hóa quy định về hoạt động KH&CN của Trung ương cho sát với tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động KH&CN của địa phương phát triển, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về công nghệ: tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh. Công tác thẩm định công nghệ có nhiều tiến bộ, đã tham gia ý kiến về công nghệ đối với nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào công tác quản lý đầu tư của tỉnh; Về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin thống kê KH&CN, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Công thương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Qua đó, nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động khởi nghiệp, ĐMST được hưởng ứng và triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã thu được nhiều kết quả nổi bật, tạo nên phong trào “Khởi nghiệp” lan tỏa, rộng khắp trong các trường ĐH,CĐ; tầng lớp HS, SV và các cấp tổ chức đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, tạo ra xung lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững giai đoạn tiếp theo.
Thái Nguyên vào nhóm 10 tỉnh/thành có Chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 cao nhất toàn quốc được Bộ KH&CN công bố ngày 12/3/2024. Tỉnh Thái Nguyên dẫn đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 địa phương, với 47.75 điểm.
Từ kết quả xếp hạng Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh sự quyết tâm, đồng thuận và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành và sự nỗ lực, quyết tâm chính trị, đổi mới, chủ động, sáng tạo của Tỉnh Ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2030, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.
Đóng góp của KH&CN ngày càng cao trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh ngày càng cao, giai đoạn 2021-2022 đạt 50,4%, cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015 (đạt 35,4%). Từ đó cho thấy, KH&CN thực sự là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập ngành KH&CN (1959-2024), Sở KH&CN Thái Nguyên đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp nào để phát triển KH&CN trong thời gian tới, thưa ông?
Chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 bao gồm: Chào mừng mừng kỷ niệm ngày Sở Hữu trí tuệ thế giới 26/4, chào mừng kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam 20/01 và các ngày Lễ lớn của đất nước. Đặc biệt ngày 15/5/2024, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học, nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế thì khâu đột phá đó là lấy KH&CN làm trung tâm và là mũi nhọn. Lĩnh vực KH&CN Thái Nguyên tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Đẩy mạnh ứng dụng, KH&CN và ĐMST vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh; ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp và CN-XD, giao thông vận tải, y tế, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường, khoa học xã hội và nhân văn, QP-AN… Nâng cao hiệu quả mọi mặt của hoạt động ứng dụng KH&CN, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống; góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế;
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ CBCC cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ CĐS tại cơ quan. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử tỉnh, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.
Để triển khai Chương trình CĐS, Sở KH&CN đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-KHCN ngày 25/5/2021 về thực hiện Chương trình CĐS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sở cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi đường chuyền dữ liệu từ Ipv4 lên Ipv6. Tập trung nguồn lực để phát triển ứng dụng KH&CN, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật…
>>> Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia: Bước đệm vững chắc cho startup khoa học công nghệ
>>> Tăng cường sự kết nối giữa Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội
Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng thành tựu mới về KH&CN nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong thời kỳ hội nhập; Hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp về thông tin công nghệ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ…; Quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển thành doanh nghiệp lớn. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Tăng cường sự liên kết chặt chẽ từ các nhà khoa học, doanh nghiệp với các cơ chế do nhà nước, chính phủ, các bộ, ngành trong việc đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.
5 tháng đầu năm 2024, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN lần đầu cho 02 tổ chức và cấp thay đổi người đứng đầu của 01 tổ chức KH&CN; Cho ý kiến về công nghệ đối với 12 dự án đầu tư, điều chỉnh đầu tư; Tổ chức Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và cấp 01 Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; tổ chức buổi làm việc với Giáo sư người nhật bản về ứng dụng công nghệ Sofix tại Thái Nguyên.
Phối hợp thực hiện triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2024; Rà soát hồ sơ và tham mưu thực hiện việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho 01 Nhãn hiệu và 03 Sáng chế; Tổ chức hội thảo “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”; Tổ chức triển khai cuộc kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và sở hữu công nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên...Thực hiện nhiệm vụ kiểm định các thiết bị X quang; đo an toàn bức xạ; Thiết bị nâng các loại, thang máy, thang cuốn băng tải chở người, máy vận thăng; Nồi hơi và thiết bị chịu áp lực, hệ thống các thiết bị chịu áp lực; Thực hiện kiểm định được 1.147 phương tiện các loại;...
Có thể khẳng định, thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của tập thể Lãnh đạo Sở KH&CN trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, Sở KH&CN trong thời gian qua đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao. Ngành KH&CN Thái Nguyên đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các khâu đột phá, giải quyết những vấn đề trọng tâm của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chú trọng tăng tỉ trọng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để KH&CN thực sự là động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
- Trân trọng cảm ơn ông!