>>> Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên. Ông Minh cho biết, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, được Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao.
Từ những nỗ lực cải cách…
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Minh cho rằng, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC. Đến nay, Thái Nguyên đang thực hiện cung cấp 1.650 dịch vụ công trực tuyến và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Cùng với đó, tỉnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao các chỉ số, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (HQQT&HCC) cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm Cao nhất cả nước; thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình nâng cao HQQT&HCC tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025.
Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên cho rằng, để có được những kết quả đó; trước hết, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, trên cơ sở bám sát Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ Chương trình CCHC của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 26/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao HQQT&HCC tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; đồng thời ban hành kế hoạch CCHC, nâng cao HQQT&HCC hằng năm.
…Để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp
Đánh giá cao những nỗ lực này, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân tỉnh đánh giá cao sự quan tâm và đồng hành của các cấp lãnh đạo trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, điều này được thể hiện qua kết quả xếp hạng chỉ số PCI của Thái Nguyên năm 2023 xếp thứ 23, là một trong 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất năm 2023. Trong đó, chỉ số Tính năng động tiên phong chính quyền tỉnh và chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ 3 toàn quốc; Tiếp cận đất đai xếp thứ 4; Chi phí không chính thức xếp thứ 5; Chi phí thời gian xếp thứ 8...
Điều đó chứng tỏ công tác chỉ đạo điều hành, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Nguyên là rất tốt. Nhưng bên cạnh đó, với một số chỉ số giảm điểm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mong muốn tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn; việc tiếp cận thông tin được minh bạch, công khai, thông thoáng hơn. Thông qua các cuộc đối thoại, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần só sự lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn để chính quyền, người dân và doanh nghiệp có sự gắn kết và giải quyết kịp thời tâm tư, vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
“Đặc biệt Trung tâm Phục vụ HCC của tỉnh, chúng tôi kỳ vọng việc Trung tâm Phục vụ HCC của tỉnh giải quyết TTHC nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện giảm thời gian cũng như quy trình giải quyết, giúp cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí trong thực hiện thủ tục liên quan đến môi trường đầu tư, để môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thời cho hay.
>>> Chỉ số PAPI năm 2023: Thái Nguyên bứt phá xếp thứ 2 cả nước
>>> Thái Nguyên: Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp trách nhiệm
Kết quả nổi bật về cải cách hành chính
Đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ xuyên suốt trong hệ thống chính quyền tỉnh Thái Nguyên nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC với 38 TTHC, bên cạnh đó thực hiện công khai, minh bạch TTHC; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm Phục vụ HCC của tỉnh, 09 bộ phận một cửa cấp huyện và 177 bộ phận một cửa cấp xã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu việc cung cấp giấy tờ, hồ sơ của người dân. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hồ sơ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được giải quyết đúng hạn đạt 99,76%.
Cung cấp 932 DVC trực tuyến toàn trình, 718 DVC trực tuyến một phần trên cổng DVC Quốc gia; đẩy mạnh việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC phục vụ việc tái sử dụng dữ liệu, đến nay tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của tỉnh đạt 81,02%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 52,81%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hoá đạt 78,05%; triển khai thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi và giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, kết nối đồng bộ giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo khai thác thông tin của người dân giải quyết TTHC; nhiều ứng dụng số được triển khai có hiệu quả như: ứng dụng công dân số C-Thainguyen, xã hội số Thainguyen-ID...
Theo ông Nguyễn Văn Hiển – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên, để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về kiểm tra công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, kiểm tra công vụ, đột xuất...
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức kiểm tra theo kế hoạch tại 35 đơn vị; kiểm tra công vụ đột xuất tại 43 đơn vị, địa phương. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã tổ chức kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ tại 38 đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều vướng mắc kéo dài tại cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thi hành công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Để thực hiện có hiệu quả CCHC trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Minh cho biết, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao HQQT&HCC tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch CCHC tỉnh Thái Nguyên năm 2024...; Nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; đơn giản hóa TTHC, nhằm giảm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC...; tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo lộ trình đề ra; Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC, không yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.
Tập trung thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra đột xuất, tập trung vào kiểm tra việc “tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp”, tổ chức thực hiện kiểm tra thông qua môi trường số và Hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm CBCC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; giải quyết công việc chậm, muộn, yêu cầu người dân, doanh nghiệp...
Tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.