Tạo “sức bật” để đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no
Thái Nguyên là nơi hội tụ, chung sống lâu đời của 46 dân tộc anh em. Trong đó; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, miền núi thuộc 5 huyện Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên một cách bền vững, thu hẹp khoảng cách so với mặt bằng chung của toàn tỉnh.
Xóm Lân Quan là một trong những minh chứng rõ rệt, đây là xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ với trên 130 hộ dân và gần 600 nhân khẩu, trong đó có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, bà con chủ yếu dựa vào ruộng trên triền đồi để trồng ngô, lúa nương, do không chủ động được nước tưới nên hay mất mùa. Từ năm 2016, các chính sách dân tộc được triển khai ở Lân Quan, bà con được hỗ trợ cây, con giống; tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sản xuất. Hiện nay, nhiều hộ dân có mô hình trồng đào cảnh và đào ăn quả với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg tại vườn, mỗi vụ người dân thu lãi hàng chục triệu đồng, giúp bà con nâng cao đời sống.
Ông Vũ Xuân Thái - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ - cho biết, là huyện miền núi - Đồng Hỷ có trên 54% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, địa phương đã triển khai 10 dự án, 11 tiểu dự án và nhiều nội dung chính sách thành phần. Trong đó, có nhiều chính sách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân là một ví dụ. Hằng năm, huyện Đồng Hỷ hỗ trợ hàng tỷ đồng để bà con mua cây, con giống sản xuất, nhờ đó ở nhiều xóm vùng cao người dân đã thoát cảnh đói nghèo” - ông Vũ Xuân Thái thông tin; đồng thời cho biết thêm, từ năm 2021 đến nay, thông qua nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ như: Chương trình 135, Đề án 2037, nguồn vốn của huyện và xã hội hóa... huyện đã triển khai 48 mô hình phát triển kinh tế, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững.
“Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo “sức bật” để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vươn lên có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đồng Hỷ giảm còn 3,48%” - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ khẳng định.
Nâng cao đời sống nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc luôn được huyện Đồng Hỷ đặc biệt quan tâm
Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 5.800 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; 5 xóm, bản ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ được triển khai dự án ổn định dân cư tập trung. Hơn 7.300 ha rừng tại huyện vùng cao Võ Nhai và trên 430 ha rừng tại huyện Đồng Hỷ đã được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, trên 6.900 ha rừng tại huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai được hỗ trợ bảo vệ rừng.
Khánh thành Công trình điện xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai
Nhờ nguồn lực đầu tư tập trung, trọng điểm, đến nay, 100% xã ở Thái Nguyên có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh tại những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế, trong đó có có trên 90% số trạm y tế xã có bác sỹ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thái Nguyên giảm 2,01%. Toàn tỉnh giảm thêm 5 xã đặc biệt khó khăn, huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới...
Tỉnh thực hiện 96 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực dân tộc với tổng kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng. UBND các huyện thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 16 nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai các hoạt động “Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số”...
Hơn 645 tỷ đồng hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2024
Ông Phan Đức Cường - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên - cho biết, để đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi Trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, bộ máy giúp việc để thực hiện, các cấp thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, dự án của Chương trình.
“Thái Nguyên là tỉnh sớm ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình; sớm phân bổ vốn cho các sở, ngành chức năng, địa phương khẩn trương thực hiện. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; UBND tỉnh phê duyệt Chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn để làm cơ sở triển khai thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” - ông Phan Đức Cường cho hay.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cũng đánh giá, quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thật sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì nơi đó có sự chuyển biến rõ nét. Bên cạnh đó, Thái Nguyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân; công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, phối hợp và phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì theo lĩnh vực được phân công.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã dành trên 645 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 là trên 458 tỷ đồng và trên 187 tỷ đồng từ kế hoạch vốn năm 2022, 2023 kéo dài thực hiện trong năm 2024.
Tỉnh đặt mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ngoài ra, sẽ duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 99,3% học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học, 99,2% ở cấp trung học cơ sở và 98% ở cấp trung học phổ thông và 99% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.
Phấn đấu có trên 45% lao động là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...
Ông Phan Đức Cường - cho biết, hiện tại, một trong những vấn đề quan tâm nhất của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Về nội dung này, tỉnh huy động vốn từ ngân sách, vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ đất ở cho 27 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 962 hộ dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh nghèo và hỗ trợ trên 1.000 hộ dân tộc thiểu số về nước sinh hoạt.
“Tỉnh cũng triển khai các dự án thiết thực, phù hợp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là hỗ trợ thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 45 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế” - ông Phan Đức Cường nhấn mạnh.
Đồng thời, tập trung thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.