>>> Tỉnh Thái Nguyên: hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đã đề ra
Dự Hội nghị có ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại biểu Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có ông: Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên; Đặng Xuân Trường; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Quang Tiến Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng với Thường trực HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo PCI tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Đại diện Hiệp hội tỉnh, các Hội Doanh nghiệp của tỉnh và đại diện 100 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tỉnh Thái Nguyên có chỉ số phát triển kinh tế rất khả quan, thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong suốt thời gian qua. Về chỉ số môi trường và phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, Thái Nguyên nhìn nhận chỉ số PCI, PGI như một cuộc thi đua một cách lành mạnh, thi đua giữa các tỉnh với nhau, là động lực phát triển kinh tế. Qua đó nhận thấy PCI tỉnh có điểm chỉ số rất tốt, nhưng một số các chỉ số giảm điểm, các sở ban ngành, địa phương cần phải cải thiện các chỉ số đó để nâng cao PCI tỉnh năm 2024. Cùng với đó, tỉnh cũng cần phải tạo ra đột phá và là những tỉnh đi đầu trong PCI, PGI của cả nước.
Trong thời gian tới, tỉnh phải quan tâm đến sinh hoạt môi trường chính sách phát triển của tỉnh; đầu tư phát triển kinh tế; phát triển doanh nghiệp xanh, kinh tế xanh, hướng tới NetZero. Đặc biệt thời gian tới, VCCI sẽ kết hợp các Bộ, ngành đưa ra Bộ chỉ số Khu công nghiệp bền vững. Do đó, Thái Nguyên phải có sự chuyển đổi, khẳng định vị thế, đồng bộ, có nhiều doanh nghiệp xanh hơn, đóng góp cho sự bền vững của tỉnh, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Về việc cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Lê Quang Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của VCCI và các Bộ, ngành Trung ương, sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, doanh nhân, kết quả Chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đã đạt thứ hạng 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2022, trong đó có 5/10 Chỉ số thành phần tăng thứ hạng so với năm 2022. Cụ thể, Chỉ số Chi phí thời gian xếp thứ hạng 8/63, tăng 48 bậc; Chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ hạng 4/63, tăng 34 bậc; Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh xếp thứ hạng 6/63, tăng 30 bậc; Chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ hạng 4/63, tăng 8 bậc; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng xếp thứ hạng 41/63, tăng 6 bậc.
Đối với Chỉ số xanh cấp tỉnh – PGI, năm 2023 Thái Nguyên đạt 20,85 điểm, tăng 4,8 điểm. Trong 04 chỉ số thành phần, có 03 chỉ số tăng điểm so với năm 2022.
Cùng với các chỉ số năm 2023 như: Chỉ số hài lòng của người dân,
tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par index) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2 toàn quốc.
Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, trung thực những mặt mạnh, mặt còn hạn chế, thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến, các Sở, ban, ngành và các địa phương cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa, có những giải pháp mạnh mẽ để cải thiện những chỉ số điểm còn thấp và giữ vững, nâng cao số điểm đã thăng hạng.
Đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), năm 2023 là năm thứ 3 tỉnh Thái Nguyên triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với 32 đơn vị (gồm 09 huyện, thành phố và 23 sở, ban, ngành). Đây là một trong những giải pháp có tác động mạnh mẽ để các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ông Lê Quang Tiến ghi nhận và biểu dương các đơn vị đạt kết quả cao trong bảng xếp hạng DDCI tỉnh Thái Nguyên năm 2023, đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền và được giao; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính để tiếp tục đạt được kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới; chủ động trong triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường tổ chức đối thoại, gặp mặt nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư (trong năm 2023, đã tổ chức 23 hội nghị đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có nhiều Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh).
Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến cho rằng, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ kết quả đánh giá Chỉ số PCI, PGI, DDCI năm 2023, đặc biệt là các chỉ số thành phần có điểm thấp, giảm điểm so với các năm trước để nghiêm túc đánh giá, chỉ ra những hạn chế, từ đó xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Tiến đề nghị các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh và Hội doanh nghiệp các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp về việc đánh giá chỉ số PCI, PGI, DDCI một cách khách quan, trung thực, chính xác, đồng thời tiếp tục tăng cường sự kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các cấp để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
>>> Thái Nguyên: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
Đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, tổng điểm PCI năm 2023 của Thái Nguyên đạt 67,48 điểm, tăng 1,38 điểm so với năm 2022. Trong đó, 4 chỉ số tăng điểm đã phản ánh chính xác môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh hiện đang có những thay đổi rất tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, xuyên suốt và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt là công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI năm 2023.
Việc PCI tăng 02 bậc so với năm 2022 và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, điều đó cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu, “Tính năng động tiên phong của chính quyền tỉnh” đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Đối với mỗi chỉ số thành phần, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư – với tư cách là Thường trực Ban chỉ đạo PCI cấp tỉnh, đã nêu rõ giải pháp để cải thiện từng chỉ số. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và mong chờ, sau Hội nghị này, các giải pháp đó sẽ được triển khai tích cực và đồng bộ, làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đặc biệt là cần tập trung để cải thiện đối với 5 chỉ số bị giảm điểm so với năm 2022.
Qua khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận thủ tục hành chính với tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương; còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ; những khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Doanh nghiệp chưa dễ dàng tìm kiếm thông tin, thể hiện qua chỉ số Tính minh bạch đạt 5,56 điểm, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố (nhóm Trung Bình), giảm 0,41 điểm và 15 bậc so với 2022; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 4,88 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố, giảm 0,53 điểm, giảm 9 bậc (nhóm Thấp), và là chỉ số thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2023.
Chỉ số PCI thể hiện qua sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua các TTHC, cơ chế, chính sách, đồng hành, lắng nghe doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin công khai, minh bạch, đặc biệt công tác xúc tiến thương mại, quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp khi cảm nhận được sự quan tâm của chính quyền chắc chắn sẽ đánh giá, cho điểm các chỉ số thành phần, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên vào top 15 PCI.
Để có kết quả đó, Tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục nâng cao tính năng động và tiên phong vai trò chính quyền tỉnh; có những bước đi đột phá mang tính chiến lược nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh.
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt 20,85 điểm, xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố, mặc dù Thái Nguyên tăng tới 4,80 điểm nhưng thứ hạng lại tụt tới 30 bậc.
>>> Thái Nguyên: Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững mạnh
Hiệp hội Doanh nghiệp có 03 kiến nghị để nâng cao chỉ số PGI như sau:
Đề nghị sau khi Kế hoạch được phê duyệt, Sở TN&MT phổ biến để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về PGI, các công việc và trách nhiệm cụ thể mà cơ quan Nhà nước đang thực hiện để cải thiện chỉ số này, để doanh nghiệp có thông tin để kết quả đánh giá được chính xác; đề nghị Sở KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh đưa các tiêu chí đánh giá Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) vào Bộ chỉ số đánh giá (DDCI) ngay trong năm 2024, để Chương trình cải thiện chỉ số PGI có sự phối hợp, đồng lòng của tất cả sở ban ngành, chính quyền các cấp; Trong hoạt động thi đua khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội đề nghị Ban Thi đua Khen thưởng tham mưu, bổ sung các tiêu chí sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, ESG (viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị)) vào tiêu chí xét thi đua khen thưởng...
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm vào cuộc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tinh thần “sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình” của từng sở, ban, ngành, huyện thành thị đối với việc cải thiện từng chỉ số thành phần, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên sẽ ngày càng tốt hơn, thu hút đầu tư tốt hơn, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, ông Thời nhấn mạnh.
Kết quả xếp hạng, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế tỉnh và Ban Quản lý các Khu công nghiệp lần lượt xếp thứ hạng cao nhất trong đánh giá DDCI khối các sở, ban, ngành. Ở khối các huyện, thành phố, lần lượt xếp thứ hạng cao gồm: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và huyện Đại Từ.