Thông qua việc triển khai các chính sách dân tộc, đến nay đời sống đồng bào DTTS được nâng lên, huyện Đại Từ không còn xã, xóm đặc biệt khó khăn
Nhiều năm qua, huyện Đại Từ luôn chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo hướng tạo “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS chủ động tự lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là khu vực miền núi có những chuyển biến tích cực.
Để giúp các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, một trong những giải pháp được chính quyền huyện Đại Từ quan tâm triển khai là tăng cường hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giúp người dân có tư liệu phát triển sản xuất. Hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 656.478 triệu đồng, với 17 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai thực hiện (trong đó đang triển khai cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi, 7 chương trình còn lại theo dõi đôn đốc thu hồi nợ), cho hơn 13.660 khách hàng đang sử dụng vay vốn.
Tính từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn vay đã giúp trên 46.200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Đại Từ có vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, đã có trên 10.990 lượt hộ nghèo, gần 6.460 lượt hộ cận nghèo thoát nghèo.
Điển hình như trường hợp của gia đình ông Trần Chung Lợi, ở xóm La Kham, xã Hoàng Nông. Từ số tiền được vay 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng chè, thay thế đám chè già cỗi bằng các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao. "Hiện gia đình đã thoát nghèo và trả được hết số vốn vay. Kinh tế cũng đã ổn định, có của ăn của để", ông Lợi phấn khởi cho biết.
Cùng với việc quan tâm tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, huyện Đại Từ cũng tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng đặc biệt khó khăn
Không chỉ hỗ trợ vay vốn sản xuất, chính quyền các cấp huyện Đại Từ còn quan tâm hỗ trợ người dân gặp khó khăn về nhà ở, thiếu tư liệu sản xuất… giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, đặc biệt phải nhắc tới hiệu quả của Chương trình 135. Với nguồn lực hơn 130 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2021) của Chương trình, huyện đã hỗ trợ tư liệu cho gần 6.000 hộ để phát triển sản xuất.
Với trên 85% số dân là người dân tộc thiểu số, xã xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, căn cứ nhu cầu chính đáng của bà con để các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, phát huy hiệu quả tạo “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên thoát nghèo… Bà Ma Thị Hằng |
Cùng với đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021 -2025) cũng góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào nơi đây. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, huyện cũng đã dành gần 60 tỷ đồng được phân bổ để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng DTTS và miền núi… hỗ trợ đồng bào vươn lên.
Như tại xã Đức Lương, bà Đào Thị Lan, ở xóm Đồi Trinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại hay đau ốm. Năm 2022, bà được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà mới rộng 100m2. Không những thế, còn được Nhà nước hỗ trợ 8 tạ phân vi sinh để bón cho 5 sào chè giúp gia đình có thêm thu nhập, ổn định sinh kế.
Không chỉ gia đình bà Lan mà hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn xã Đức Lương đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ bằng các tư liệu sản xuất phù hợp. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay có trên 220 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở Đức Lương được hỗ trợ hàng trăm tấn phân bón, nhiều thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất với tổng trị giá trên 1,8 tỷ đồng. Riêng năm 2023, xã có 119 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phân bón, máy móc phục vụ sản xuất… với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
Cây chè là cây chủ lực giúp đồng bào DTTS huyện Đại Từ vươn lê thoát nghèo
Bà Ma Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Đức Lương, cho biết, với trên 85% số dân là người dân tộc thiểu số, xã xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, căn cứ nhu cầu chính đáng của bà con để các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, phát huy hiệu quả tạo “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên thoát nghèo…
Có thể thấy, nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đại Từ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2015, huyện còn gần 4.800 hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS thì đến cuối năm 2023, đã giảm còn trên 1.200 hộ (chiếm trên 7,6% tổng số hộ DTTS trên địa bàn). Huyện Đại Từ hiện không còn xã, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn; trên 90% thôn, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; 100% các xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã… tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội.