Thấm nhuần tinh thần ngoại giao “cây tre Việt Nam” với quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại, gặt hái được nhiều kết quả.
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Có thể khái quát lại, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.
Cũng tại Hội nghị này, cố Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Thấm nhuần tinh thần ngoại giao “cây tre Việt Nam” với quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại, gặt hái được nhiều kết quả. Hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được triển khai đồng bộ, toàn diện và thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế là một trong những địa phương năng động về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh toàn diện trên các lĩnh vực công tác
Trong những năm qua, hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động và thực sự khởi sắc, triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật, thích ứng năng động; tiếp tục mở rộng hội nhập quốc tế, củng cố, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với các địa phương của Lào, Hàn Quốc; mở rộng, nâng tầm hợp tác với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; chú trọng công tác ngoại giao kinh tế; tăng cường thông tin đối ngoại, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân... góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và quốc tế.
Đoàn công tác của thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) và các nhà đầu tư thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên)
Kiên định đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam”, trong những năm qua, công tác đối ngoại tỉnh Thái Nguyên luôn lấy nguyên tắc đặt “lợi ích quốc gia - dân tộc” làm “gốc”. Tỉnh đã tổ chức các hoạt động ngoại giao đảm bảo tuân thủ quy định, linh hoạt, chủ động, phù hợp với tình hình thực tế; qua đó củng cố và mở dộng quan hệ của tỉnh với các địa phương và đối tác nước ngoài, vận động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phòng ngừa các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến yếu tố nước ngoài, góp phần đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương.
Tỉnh Thái Nguyên không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường quan hệ hữu nghị với Nhân dân ở các địa phương của nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn và nhiều tổ chức trên thế giới; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người của tỉnh Thái Nguyên nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế; góp phần làm cầu nối thúc đẩy hợp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, công nghệ cao, khoa học kỹ thuật...
Hợp tác cấp địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã ký kết hợp tác với 7 địa phương nước ngoài: Tỉnh Gyeongsangbuk - Hàn Quốc, tỉnh Luang Prabang - Lào, thành phố Poitiers - Pháp, thành phố Linkoping - Thụy Điển, thành phố Salo - Phần Lan, tỉnh Alier - Pháp, tiểu bang Virginia - Hoa Kỳ.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chụp ảnh cùng một số doanh nghiệp nhà đầu tư tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ trong chuyến đầu tư và thương mại tại Cuba và Hoa Kỳ. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên)
Tỉnh tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương nước ngoài, như: Tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc, tỉnh Luang Prabang, Lào, thành phố Linkoping, Thụy Điển. Chủ động kết nối, xúc tiến việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và địa phương nước ngoài khác: Thành phố Poitiers - Pháp; tỉnh Lower Silesia - Ba Lan; tỉnh Udon Thani - Thái Lan; tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc.
Các hoạt động thăm hỏi, trao đổi đoàn, hợp tác được triển khai hiệu quả, thiết thực với các hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhiều chương trình, dự án cụ thể đã được triển khai hiệu quả. Tỉnh Thái Nguyên đón nhiều đoàn công tác của các đại sứ quán, đại diện địa phương, doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan, làm việc để tìm hiểu tiềm năng đầu tư và triển khai các dự án đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đón và làm việc với đoàn công tác của Phó Tỉnh trưởng Gyeongsangbukdo, Hàn Quốc; Đoàn công tác của Ủy viên BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang, Lào; Đoàn cán bộ cấp cao Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Đoàn công tác của lãnh đạo thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản; Đại sứ các nước: Thái Lan, Australia, Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore, Angola, Nigeria, đại diện phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam; các tập đoàn quốc tế lớn: Cơ quan xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA), Tập đoàn EyeMed Innovations, Inc., Công ty Medical Corporation EIWAKAI và một số nhà đầu tư của Nhật Bản; Quỹ Đầu tư Quốc tế Hà Lan, Tổ chức phát triển Hà Lan SNV, Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan DFCD, Quỹ Đầu tư chống biến đổi khí hậu CFM, Công ty CA Water Pte Ltd. (Singapore), Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam).
Thái Nguyên đã tổ chức nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư, thăm, làm việc và học tập kinh nghiệm tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Cuba, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan; Hungary, Slovakia, CH Czech…
Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thu hút vốn đăng ký đầu tư đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh Thái Nguyên nằm trong top đầu địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Tỉnh đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà đầu tư hạ tầng, các đối tác chiến lược để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Thái Nguyên tới các đối tác, quốc gia trên thế giới.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối đầu tư với các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...; đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm hiểu đầu tư, triển khai thực hiện dự án và trong suốt quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu phụ nữ Lào và Campuchia thăm và làm việc tại Thái Nguyên. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên)
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ, bằng 52,5% kế hoạch năm. Giá trị hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,84 tỷ USD, tăng 16,5 % so với cùng kỳ.
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 10 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 482,8 triệu USD, 09 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 59,4 triệu USD. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về kết quả thu hút vốn đầu tư FDI. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 219 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,25 tỷ USD.
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư, công tác đối ngoại nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả nhằm tăng cường giao lưu, kết nối với bạn bè quốc tế, góp phần vun đắp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 tổ chức PCPNN có giấy phép hoạt động còn hiệu lực và bổ sung mới địa bàn, hoạt động và thực hiện 41 chương trình, dự án viện trợ tại tỉnh Thái Nguyên với giá trị cam kết tài trợ các chương trình, dự án PCPNN là 6.578.799 USD; giá trị giải ngân năm 2023 ước đạt 1.488.170 USD, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các chương trình, dự án tài trợ PCPNN đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện đời sống người dân địa phương.
Trong những năm qua, các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh đã chủ động tìm hiểu, thúc đẩy ký kết, thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan, địa phương nước ngoài cùng cấp. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, thông tin kịp thời công tác đối ngoại của tỉnh, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Công tác văn hóa đối ngoại được triển khai tích cực với các hoạt động đa dạng, nhằm quảng bá về mảnh đất, con người và văn hóa Thái Nguyên đến du khách trong và ngoài nước. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm và thực hiện nhằm thông tin các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước nói chung và địa phương nói riêng, kêu gọi cộng đồng bà con kiều bào hướng về xây dựng quê hương, đất nước.
Công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế được triển khai chặt chẽ, đúng quy định theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác lãnh sự và bảo công dân tiếp tục được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các quy định của Trung ương.
9 mục tiêu trọng tâm
Xác định công tác đối ngoại tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, Thái Nguyên sẽ tập trung vào 9 mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác đối ngoại nhằm đảm bảo tính đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Thứ hai, tiếp tục kết nối, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cấp địa phương giữa tỉnh Thái Nguyên và các địa phương nước ngoài. Triển khai tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn theo kế hoạch được phê duyệt. Hỗ trợ các cơ quan, địa phương của tỉnh triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, thu hút các nguồn lực quốc tế chất lượng cao phục vụ phát triển địa phương nhanh và bền vững.
Thứ tư, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động viện trợ PCPNN; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn các đoàn công tác của các tổ chức PCPNN đến triển khai hoạt động tại tỉnh.
Thứ năm, tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2026, Chiến lược Ngoại giao văn hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và các nhiệm vụ trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Liên minh châu Âu, Hà Lan, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên)
Thứ sáu, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Đề án Phát triển thông tin đối ngoại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Phối hợp với các cơ quan báo chí đối ngoại và cơ quan báo chí Trung ương sản xuất, đăng tải, phát sóng các chương trình, nội dung thông tin đối ngoại của tỉnh.
Thứ bảy, chỉ đạo thực hiện công tác lãnh sự và bảo hộ công dân theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý đoàn ra, đoàn vào của tỉnh.
Thứ tám, tổ chức hiệu quả các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Thứ chín, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc theo Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tỉnh Thái Nguyên ban hành tại Quyết định số 1263-QĐ/TU ngày 03/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1263-QĐ/TU.
Phát huy tinh thần ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại; đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các đối tác, địa phương và các nhà đầu tư quốc tế, tiếp tục đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh phát triển và đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025