Phát triển đô thị theo hướng bền vững luôn là mục tiêu hướng tới của tất cả các địa phương trong cả nước. Để xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng Trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đặt ra nhiều kế hoạch cụ thể trong phát triển đô thị, trong đó sẽ hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực, thông minh kết nối với khu vực.
Thái Nguyên được biết đến là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao của cả nước hiện nay.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 14 đô thị, trong đó có 3 đô thị trực thuộc tỉnh (gồm 1 đô thị loại I và 2 đô thị loại II), 2 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V (trực thuộc huyện), với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41%. Cụ thể, Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 50%. Đây là mục tiêu rất quan trọng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết: Để việc phát triển đô thị Thái Nguyên đảm bảo bền vững, Sở luôn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, trên cơ sở bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là các nội dung của nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 21- Ctr/TU ngày 13/04/2022 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các quy hoạch chi tiết luôn bám sát các chương trình phát triển, các dự án làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển đô thị.
Trên cơ sở tham mưu của các Sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh đạt trên 7% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt trên 10%.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: Thành phố Thái Nguyên (đô thị loại I); thành phố Sông Công (đô thị loại II); thành phố Phổ Yên (đô thị loại II); thị trấn Hùng Sơn (đô thị loại IV), thị trấn Quân Chu (đô thị loại V), đô thị mới Yên Lãng (đô thị loại V), đô thị mới Cù Vân (đô thị loại V) thuộc huyện Đại Từ; thị trấn Hương Sơn (đô thị loại V), đô thị mới Điềm Thụy (đô thị loại V) thuộc huyện Phú Bình; thị trấn Trại Cau (đô thị loại V), thị trấn Sông Cầu (đô thị loại V); thị trấn Hóa Thượng (đô thị loại IV) thuộc huyện Đồng Hỷ; thị trấn Đu (đô thị loại IV), thị trấn Giang Tiên (đô thị loại V) thuộc huyện Phú Lương; thị trấn Chợ Chu (đô thị loại IV) thuộc huyện Định Hóa; thị trấn Đình Cả (đô thị loại V), đô thị mới La Hiên (đô thị loại V) thuộc huyện Võ Nhai.
Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với phát triển các khu dân cư, khu đô thị hiện đại đã giúp cho Thái Nguyên phát triển hệ thống đô thị bền vững.
Đến năm 2030 toàn tình có 15 đô thị gồm: Thành phố Thái Nguyên (đô thị loại I); thành phố Sông Công (đô thị loại II); thành phố Phổ Yên (đô thị loại II) - phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; thị xã Đại Từ (đô thị loại IV); thị xã Phú Bình (đô thị loại IV); thị trấn Trại Cau (đô thị loại V), thị trấn Sông Cầu (đô thị loại V); thị trấn Hóa Thượng (đô thị loại IV), đô thị mới Quang Sơn (đô thị loại V) thuộc huyện Đồng Hỷ; thị trấn Đu (đô thị loại IV), thị trấn Giang Tiên (đô thị loại V) thuộc huyện Phú Lương; thị trấn Chợ Chu (đô thị loại IV), đô thị mới Bình Yên (đô thị loại V) thuộc huyện Định Hóa; thị trấn Đình Cả (đô thị loại V), đô thị mới La Hiên (đô thị loại V) thuộc huyện Võ Nhai.
Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị theo quy định. Bảo đảm 100% đô thị từ loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16-26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2.
Thái Nguyên xác định rõ mục tiêu xây dựng phát triển đô thị là xanh - thông minh - bền vững.
Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% hộ gia đình tại đô thị; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Việc phát triển đô thị phải gắn với mục tiêu xây dựng đô thị xanh - thông minh - bền vững.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Thái Nguyên đã và đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, để hướng đến các tiêu chí về phát triển đô thị bền vững, điển hình là trong phát triển hạ tầng giao thông như các tuyến đường vành đai, đường liên kết vùng, đường động lực, hệ thống cây xanh, các khu dân cư, khu đô thị hiện đại… góp phần quan trọng cho Thái Nguyên không ngừng thay đổi diện mạo từng ngày, mà còn góp phần đẩy nhanh và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực, thông minh kết nối với khu vực là một trong những mục tiêu quan trọng mà Thái Nguyên đang hướng tới.