Thái Nguyên hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trách nhiệm lớn, quyết tâm cao.

  • 14/11/2024

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới”, tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt triển khai phương án để hiện thực hóa giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” cho hàng nghìn người dân. Là một chủ trương mang đậm ý nghĩa nhân văn, hợp lòng dân, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được cả hệ thống chính trị của tỉnh coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và quan tâm thực hiện xuyên suốt, liên tục trong thời gian qua.

Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ của mẹ con chị Dương Thị Loan, ở xóm Mịt, xã Nhã Lộng (Phú Bình), ngẩng đầu lên là có thể nhìn thấy trời. Ngôi nhà này vốn là nhà lớp học mầm non của xóm, sau đó được bố mẹ chị Loan mua lại và sửa sang thành nhà ở vào năm 1995. Theo thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp nhiều chỗ, mái bị dột, mấy bức tường xiêu vẹo chờ đổ sập.

Giống như chị Loan, giấc mơ có một ngôi nhà kiên cố cũng được coi là "xa xỉ" đối với bà Dương Thị Sen, 68 tuổi, ở xóm Diễn, xã Tân Đức (Phú Bình). Ngày ngày chỉ quanh quẩn với 2 sào ruộng, là sinh kế duy nhất của hai bà cháu, nên mong muốn sửa lại ngôi nhà bị bà Sen gác lại từ năm này qua năm khác.

Đến đầu năm nay, do mái nhà đã quá mục nát, bà Sen cố gắng vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để sửa lại nhà. Nhưng số tiền này cũng chỉ đủ để sửa lại phần mái của gian nhà chính, phần mái gian buồng ngủ vẫn phải để lại. Nhiều tháng nay, gian nhà chính vừa dùng để tiếp khách, vừa là nơi hai bà cháu kê giường ngủ.

 

Còn tại Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), một trong những xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh, vẫn còn hàng chục hộ dân đang sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát.

Suốt nhiều năm qua, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được các cấp, ngành trong cả nước quan tâm triển khai. Đặc biệt, với mục tiêu chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, một phong trào thi đua lớn đã được phát động từ tháng 4-2024.

Chiều 1/10/2024, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan về triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc vào cuối năm 2025, chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cần cách làm mới, quyết liệt, khoa học, hiệu quả hơn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ, cùng với cả nước, Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp và thống nhất kế hoạch, giải pháp để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024.

Ngay sau khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, 9/9 huyện, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Căn cứ tình hình thực tế, một số địa phương đã thành lập các tổ giúp việc ban chỉ đạo, tổ công tác của UBND huyện, tổ khảo sát tại các hộ gia đình; tổ thẩm định, kiểm tra, đánh giá kết quả rà soát, lập hồ sơ xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổ giúp việc ban chỉ đạo thực hiện vận động, tiếp nhận kinh phí hỗ trợ.

177/177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc. Đồng thời, các địa phương đã khẩn trương rà soát kỹ lưỡng, thống kê cụ thể, chính xác, chi tiết danh mục nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ trên địa bàn, đảm bảo đúng, đủ, không bỏ sót trường hợp nào; lập hồ sơ đối với từng hộ, thống nhất cách làm và hình thức triển khai thực hiện.

Từ nay đến hết tháng 6-2025 chỉ còn khoảng 240 ngày để hoàn thành mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Khối lượng công việc phải làm còn rất nhiều.

Trong khi đó, quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát còn vướng phải không ít khó khăn như: số nhà tạm, nhà dột nát chưa/không đủ điều kiện lớn; các hộ ở nhà tạm, nhà dột nát sinh sống phân tán, không tập trung; nhiều hộ vướng mắc về đất đai, quy hoạch; chưa có kinh phí đối ứng để xây mới, sửa chữa nhà ở; nhiều hộ vẫn bị ảnh hưởng bởi tập quán lạc hậu. Điều đáng lưu tâm nữa là mặc dù được hỗ trợ nhưng một số hộ do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có khả năng đối ứng để xây mới, sửa chữa nhà ở…

Để tháo gỡ những khó khăn này, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong triển khai chương trình; từng thành viên Ban Chỉ đạo, người được phân công phụ trách địa bàn nắm chắc tình hình từng hộ theo đúng biểu tiến độ đã ban hành; chủ động, khẩn trương, trách nhiệm, tích cực hơn nữa trong giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai cho các hộ; tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai chương trình tại các địa phương để bảo đảm đúng tiến độ đề ra…

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều ngày qua, không kể sáng, trưa, chiều, tối, ngày làm việc hay cuối tuần, không khó để bắt gặp hình ảnh các đồng chí Thường trực Huyện ủy Phú Bình, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở để tìm hiểu thực tế, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho bà con.

Đối với TP. Phổ Yên, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, đây là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành khởi công sửa chữa, xây mới 21 ngôi nhà đạt tiêu chí “3 cứng” cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn với tinh thần chủ động, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Theo đó, căn cứ vào số lượng nhà tạm, nhà dột nát và khả năng huy động nguồn lực của địa phương, Ban Chỉ đạo thành phố đã hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà đối với nhà xây mới, 50 triệu đồng/nhà sửa chữa, tổng kinh phí thực hiện đến nay là 1,85 tỷ đồng.

Ngoài 3 địa phương là TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình đã chủ động bố trí gần 4,3 tỷ đồng để hỗ trợ 95 hộ nghèo, cận nghèo xây mới, sửa chữa nhà, hiện vẫn còn 5 huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ gặp khó về kinh phí trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tại Võ Nhai, qua rà soát, toàn huyện hiện còn 972 hộ đang sống trong nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu bức thiết sửa chữa, xây mới.

Hiện nay, các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở của huyện Võ Nhai đang khẩn trương động viên hộ dân có đủ điều kiện thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ; hướng dẫn các gia đình hoàn thiện hồ sơ để được nhận hỗ trợ…

Số gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát phân tán; một số trường hợp có nhu cầu hỗ trợ nhưng giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất ở chưa đảm bảo, chưa đầy đủ, chưa có sự đồng thuận trong gia đình… đã và đang được cơ quan chuyên môn và chính quyền tập trung tháo gỡ.

Ngoài phát huy nội lực của địa phương, huyện Võ Nhai có nhiều cách làm hay như: vận động các xóm hỗ trợ ngày công lao động để san nền, vận chuyển vật liệu, xây tường, dựng nhà…; huy động sự tham gia tích cực của các nhà hảo tâm, cộng đồng, dòng họ trong việc ủng hộ, hỗ trợ các hộ có thêm nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai của Ban Chỉ đạo các cấp; cách thức hỗ trợ chi tiết, cụ thể đến từng đối tượng, trường hợp phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện thực tiễn, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân.

Cộng đồng trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền các cấp, những ngày qua, các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền về chương trình.

Có thể khẳng định, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và cả xã hội động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mà còn góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện.

Với sự chung tay, đồng lòng, mỗi ngôi nhà xây dựng cho người nghèo không chỉ là gạch, đá, cát sỏi, xi măng mà thực sự là kết tinh của tinh thần tương thân, tương ái, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào của cả cộng đồng…

Nguồn/Source: