Tỉnh Thái Nguyên tính toán kỹ về các yếu tố về lịch sử, địa lý, văn hóa khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã
Theo đó, thành phố Thái Nguyên giảm từ 32 phường, xã còn 8 phường, xã; huyện Đại Từ giảm từ 27 xã, thị trấn còn 9 xã; thành phố Phổ Yên giảm từ 18 xã, phường còn 5 xã, phường; huyện Phú Bình giảm từ 20 xã, thị trấn còn 5 xã; huyện Đồng Hỷ giảm từ 14 xã, thị trấn còn 6 xã; thành phố Sông Công giảm từ 10 xã, phường còn 3 phường; huyện Phú Lương giảm từ 14 xã, thị trấn còn 4 xã; huyện Định Hóa giảm từ 22 xã, thị trấn còn 8 xã; huyện Võ Nhai giảm từ 15 xã, thị trấn còn 7 xã (giữ nguyên xã Sảng Mộc).
Dự thảo đề án nêu rõ cơ sở, lý do sắp xếp các xã, phường, thị trấn; diện tích, dân số, nơi đặt trụ sở làm việc mới của các xã sau sắp xếp thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, như việc thành lập phường Phan Đình Phùng trên cơ sở nhập 7 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, gồm: Phan Đình Phùng, Trưng Vương, Túc Duyên, Đồng Quang, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Tân Thịnh, đặt trụ sở tại trụ sở phường Phan Đình Phùng hiện nay.
Dự thảo đề án cũng nêu tổ chức chính quyền cấp xã sau sắp xếp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Hội đồng nhân dân cấp xã có 2 ban chuyên môn giúp việc gồm: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế-Xã hội; Ủy ban nhân dân cấp xã có 4 phòng chuyên môn và tương đương, với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, gồm: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Phòng Kinh tế (đối với xã) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hóa-Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.
Tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập ở cơ sở, bao gồm: Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở.
Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu không được gián đoạn giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện
Sắp xếp lại, mỗi xã, phường tổ chức 1 đơn vị sự nghiệp công lập để cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn (cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...).
Đề án này sau khi hoàn thiện quy trình, quy định của pháp luật, cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định sẽ được tỉnh Thái Nguyên tổ chức thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng đề ra.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quốc Hữu cho biết, thực tế sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2018 đến 2024 đã mở rộng không gian phát triển, phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thu hút các dự án đầu tư, phát triển, tập trung vốn đầu tư từ ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm mở rộng quy mô phát triển, gần dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; bảo đảm sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải; giảm đầu mối và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giảm người hưởng lương từ ngân sách để đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội.
Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên đã tính kỹ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, liên kết thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp cơ sở sau sắp xếp được tỉnh Thái Nguyên cân nhắc để dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học, thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin; có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; các phường, xã trung tâm huyện, thành phố cũ lấy tên của đơn vị cấp huyện (trừ thành phố Thái Nguyên).
Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội về chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của nhân dân đối với việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tạo sự đồng thuận để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.