Những cây có thể tận dụng được đánh chuyển để trồng tại nơi quy hoạch mới hoặc tại vườn ươm. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.
Trong những ngày này, việc cơ quan chức năng triển khai trồng thay thế cây xanh tại thành phố Thái Nguyên đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận.
Đẹp nhưng phải an toàn
Ban quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên là đơn vị triển khai việc thực hiện trồng thay thế cây xanh. Việc triển khai được dựa trên cơ sở kết quả thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, công trình “Cải tạo, trồng thay thế cây xanh trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ và đường Đội Cấn”. Các thủ tục về dự toán thi công, đấu thầu đã thực hiện theo quy định.
Mục đích của việc trồng thay thế cây xanh là loại bỏ những cây đã già cỗi, sâu mục; đánh chuyển những cây không hợp lý theo quy định trồng trong đô thị, phấn đấu trên từng tuyến phố được trồng một loại cây đồng bộ. Từ đó, tăng mỹ quan và nâng cao chất lượng đô thị Thành phố Thái Nguyên.
Theo thống kê, trong gần 400 cây bị thay thế phần lớn là cây hoa sữa, hoa phượng, số ít là các cây sao đen, lộc vừng, xoài...Trong đó, có 2/3 số cây khỏe mạnh, có thể tận dụng sẽ được đánh chuyển trồng sang vị trí khác theo quy hoạch hoặc chăm sóc tại vườn ươm của Ban Dịch vụ công ích đô thị thành phố.
Đối với những cây phượng vĩ, bằng lăng đủ điều kiện đánh chuyển, sẽ được Ban Công ích đưa về những tuyến đường nơi có các trường học để trồng cho thêm ý nghĩa.
Nhiều cây đánh chuyển đã được đưa đến những tuyến đường phù hợp với loại cây đô thị theo quy hoạch của Thành phố Thái Nguyên: Ảnh Đồng Văn Thưởng
Số cây không thể đánh chuyển được bởi cây rỗng ruột, nghiêng đổ, bộ rễ mục hoặc đã già cỗi, sâu đục thân nguy cơ mất an toàn đối với con người (Chủ yếu là các loại cây hoa sữa, đinh trống, phượng, bằng lăng…) buộc phải chặt hạ để không làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cáp quang ngầm, đặc biệt là tính mạng con người.
Theo dự án này, thành phố Thái Nguyên sẽ thay gần 400 cây sang đỏ (với đường kính gốc từ 15-20cm, chiều cao 4-5m) hiện đang được đơn vị thi công trồng thay thế cho các loại cây phải cải tạo, di chuyển.
Đơn vị thi công triển khai thực hiện đánh chuyển, trồng thay thế cây mới đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, không đồng thuận của người dân về cách “ứng xử” đối với cây xanh.
Bà Đỗ Hồng Nhung (Cán bộ BQL dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên) cho biết, ngoài cơ sở pháp lý nói trên, việc trồng thay thế cây xanh còn dựa vào Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên về phân cấp quản lý cây xanh đô thị. Quyết định đã có danh mục cây trồng được khuyến khích, hạn chế hoặc cấm trồng trong đô thị. Cây sữa và cây phượng (với số lượng lớn trên 2 tuyến phố) chính là 2 trong số 23 cây trồng bị hạn chế trồng.
Theo đó, cây sữa có cành giòn, dễ gãy, hoa có mùi gây khó chịu. Còn cây phượng có rễ nổi lên làm hư hỏng vỉa hè, thân cây hay bị rỗng, nguy cơ mất an toàn. Thực tế, hầu hết các vị trí hè phố có cây sữa và cây hoa phượng đều bị gốc, rễ cây đẩy nền hè lên cao, gây biến dạng nền gạch lát hè đặc biệt là nhiều cây mục rỗng lõi buộc phải chặt hạ.
Đối với cây trồng thay thế, chị Nhung cho biết, sang đỏ đang được coi là loại cây trồng quý hiện nay. Đây là loại cây bóng mát, có tuổi thọ lên tới cả trăm năm, thân cây dẻo dai, khó bị gãy đổ. Đặc biệt, cây sang có bộ dễ cọc ăn sâu xuống lòng đất, phù hợp trồng trong đô thị, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Cây không trút lá quanh năm, tán rộng, kín, hoa đẹp, thanh lịch.
Nhiều cây trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ đã bị mục gốc buộc phải chặt bỏ. Ảnh Đồng Văn Thưởng
Xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn nói trên nhưng việc triển khai vẫn gặp những ý kiến bức xúc, tạo dư luận nóng trong nhân dân. Một chuyên gia về đô thị của Thái Nguyên phân tích, rất dễ hiểu, đó là tình cảm, là thái độ, cảm xúc của con người đối với cây xanh. Khi thấy cây bị đốn hạ thì ai cũng tiếc nuối.
Tuy nhiên, để người dân hiểu và ủng hộ thì phải thông tin cụ thể về chủ trương nói trên. Chúng ta đã đánh chuyển, đã đốn chặt cây gì, trồng mới cây gì thì mới trả lời được câu hỏi vì sao?. Chúng ta, ai chẳng hoài cổ về những làng quê xưa cũ. Vậy thì làm sao phải xây dựng NTM với đường làng ngõ xóm phong quang, vệ sinh sạch sẽ. Cứ cảm xúc hoài cổ thì giữ lại phong cảnh bờ chuối, bụi tre lấm láp, lầy lội mãi sao?.
Từ cách đây gần 2 thập kỷ, nhóm các kiến trúc sư của cả nước đã có ý kiến về việc hệ thống cây xanh của thành phố Thái Nguyên quá lộn xộn, nhếch nhác, không quy hoạch và trồng tự phát. Nay, thành phố đã lên đô thị loại I mà vẫn là những loại cây đã sắp thuần thục, không có quy hoạch nên đã không đẹp, không khoa học, không có ngôn ngữ mà lúc nào cũng đe dọa nguy cơ mất an toàn.
Hoài cổ để mà hiện đại chứ đừng quá cảm xúc chủ quan, nhóm hội mà quên đi nghĩa vụ tiến bộ của mình. Làng quê chẳng mất đi đâu được, hương hoa sữa, màu hoa phượng vẫn mãi như vậy. Nhưng làng quê sẽ đẹp hơn nếu chịu đổi thay, hoa sữa, hoa phượng sẽ hiện diện đẹp hơn ở những nơi an toàn và thích hợp hơn.