(Xây dựng) – Xây dựng hạ tầng giao thông được xem là một trong những khâu đột phá được xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Điều này không những góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp địa phương từng bước hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí cơ bản của một phường trong lộ trình đưa thị xã Phổ Yên trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh đã tạo cho xã Tân Hương diện mạo của một đô thị trẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Nhận thức rõ hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên trong những năm qua, xã Tân Hương đã tập trung các giải pháp thực hiện nhiều chương trình đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, xã đã tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ với hạ tầng xã hội; gắn phát triển giao thông với thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới, qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng.
Do vậy đến nay, 100% các trục đường chính và hầu hết các đường làng, ngõ xóm đều cơ bản được bê tông hóa. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, UBND xã tiếp tục được UBND thị xã Phổ Yên phân bổ 2 đợt với gần 1.100 tấn xi măng để nâng cấp, mở rộng 5,5km đường bê tông liên xóm, ngõ, nội đồng với tổng kinh phí xây dựng trên 5,5 tỷ đồng. Đồng thời tiến hành cải tạo, mở rộng mặt đường một số thôn, xóm theo tiêu chí mới rộng từ 3,5-5m là trên 1,6km. Đặc biệt mới đây, công trình mở rộng, xây dựng tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 3 cũ đến Trung tâm hành chính UBND xã Tân Hương vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, đường đạt chuẩn đường đô thị với hạ tầng đồng bộ từ hệ thống đường chính tới hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống thoát nước, vỉa hè… đã thực sự tạo ra một diện mạo mới, mang đậm màu sắc đô thị của một phường trong tương lai không xa.
Trục đường chính nối từ Quốc lộ 3 cũ dẫn vào trung tâm xã vừa hoàn thiện và đưa vào sử sụng đảm bảo các tiêu chí của đường đô thị.
Việc phát triển hạ tầng giao thông đã giúp địa phương khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều công trình, hạng mục khác cũng được đầu tư như hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, cây xanh hay các khu dân cư bắt đầu hình thành... ngày càng tạo cho địa phương có một diện mạo mới với cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Chất lượng cuộc sống của người dân cũng vì thế mà không ngừng được nâng cao, việc giao thương hàng hóa ngày càng thuận lợi, tạo sự liên kết giữa các địa phương, nhất là thông qua kết nối với các nút giao thông quan trọng như nút giao Yên Bình thuộc cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường vành đai V, Quốc lộ 3… nằm trên địa bàn xã.
Nhờ giao thông thuận tiện, mà địa phương đã có nhiều nhà đầu tư đến Tân Hương khảo sát xây dựng các dự án thương mại, dịch vụ. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được duy trì ổn định, phát triển đúng hướng, chỉ tính riêng quý II năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã ước đạt: 15%. Trong đó: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng 22%, ước đạt 17 tỷ/ 33 tỷ đạt 51,5% kế hoạch; thương mại, dịch vụ tăng 25%; nông nghiệp - thuỷ sản tăng 2%; Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng trên địa bàn ước thực hiện 17 tỷ đồng, bằng 51,5 % so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Một góc khu dân cư thuộc xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.
Trong lộ trình xây dựng thị xã Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Thái Nguyên trước năm 2025, để đáp ứng các tiêu chí của một thành phố, thị xã đã quy hoạch xây dựng 9 xã vùng lõi của thị xã trở thành phường, trong đó có xã Tân Hương. Chính vì vậy việc xã Tân Hương làm tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện các tiêu chí của một đô thị, mà còn góp phần giúp Tân Hương đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, đáp ứng khát vọng của người dân cũng như thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.
Một trong những yếu tố giúp Tân Hương phát triển hạ tầng giao thông thuận lợi chính là phong trào hiến đất làm đường. Thông qua phong trào xây dựng Nông thôn mới đã có hàng trăm hộ dân hiến hàng nghìn m2 đất và nhiều tài sản khác trên đất cho phát triển hạ tầng giao thông. Điển hình như tại xóm Cầu Tiến, xã Tân Hương với giá trị đất lúc nhân dân hiến dao động từ 3-5 triệu đồng/m2, thì riêng xóm Cầu Tiến đã có tới gần 80 hộ hiến gần 1000m2 đất chưa kể các tài sản trên đất. Người dân ai cũng nhận thức được phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng cho thay đổi bộ mặt nông thôn, tiến tới thành lập phường với các tiêu chuẩn cao hơn, mà nhân dân chính là người được hưởng thụ.
Ông Nguyễn Văn Thái một trong những hộ dân thuộc xóm Cầu Tiến, xã Tân Hương hiến gần 200m2 đất, gần 40m tường dào và các tài sản cây cố, hoa màu khác trên đất cho địa phương làm đường giao thông trục chính nối Quốc lộ 3 với trung tâm hành chính xã vui vẻ cảm nhận: Nhờ có trục đường mới khang trang không những giúp người dân đi lại tuận tiện, tạo diện mạo mới cho địa phương mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện hàng ngày, hàng giờ các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương đặc biệt là các dịch vụ, thương mại, hạ tầng dân cư mọc lên nhanh chóng, sôi động không kém khu vực của các phường gần đó.
Ông Bùi Huy Phúc - Phó chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết thêm: Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, phấn đấu đạt các tiêu chí trở thành phường, thời gian tới địa phương vẫn tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, thực hiện rà soát và đề xuất điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cải tạo, sửa chữa các tuyến kênh mương do xã quản lý; nâng cấp, duy tu các tuyến đường giao thông đã bị xuống cấp, vận động nhân dân tiếp tục hiến đất mở rộng các đường trục chính các xóm, đảm bảo ít nhất nền đường phải rộng từ 4m trở lên, mặt đường rộng từ 3,5m trở lên, đường ngõ xóm nền đường rộng từ 6m trở lên, mặt đường rộng từ 3,5-5m, ở khu vực đông dân cư hai bên đường phải có hệ thống rãnh thoát nước sinh hoạt, đồng thời gắn với chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng theo hướng hiện đại, tạo mối liên kết phát triển bền vững cũng như tạo ra môi trường thu hút đầu tư trong và ngoài địa phương, nhằm tạo tiền đề cho quá trình phát triển nhanh, bền vững có hiệu quả ngay từ cơ sở thông qua đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình giao thông đã và đang tiếp tục được triển khai tại địa phương.